Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc đến những phong trào đột phá - Bài 2: Sức trẻ xây dựng thành phố

 Giai đoạn 1995 - 2005, 2 phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ sáng tạo” đã có sức lan tỏa rõ rệt. Sức mạnh và sức hấp dẫn của màu áo xanh tình nguyện đã một lần nữa thu hút hàng vạn lượt bạn trẻ là sinh viên, công nhân, lao động hòa mình vào cuộc sống sôi động của TP và đất nước với mong muốn khẳng định mình, rèn luyện, thử thách… 

 “CKT” ở khắp nơi 

Cuối năm 1990, Đoàn TNCS Khối Bộ Công nghiệp nhẹ chọn từ các cơ sở được 52 cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua lao động sáng tạo để tuyên dương nhân kỷ niệm Ngày truyền thống thanh niên công nhân 15-10. Phần thưởng là một chuyến đi Hà Tiên tham dự chương trình liên hoan “Những người lao động, quản lý trẻ giỏi”. 2 năm sau, liên hoan với sự góp mặt của hơn 100 thợ trẻ, cán bộ quản lý giỏi đến từ 52 xí nghiệp công nghiệp đầu đàn của TP. Cũng tại liên hoan này, cụm từ “CKT” (chất lượng, kiểu dáng, tiết kiệm) lần đầu tiên được nhắc đến và được những đại biểu dự liên hoan quyết định đặt tên cho một phong trào thi đua của Đoàn khu vực công nhân lao động TP.

Chiến sĩ Mùa hè xanh TPHCM dọn dẹp vệ sinh khu dân cư.

Chị Mai Thị Thu Thủy, nguyên Bí thư Đoàn TNCS Khối Bộ Công nghiệp nhẹ, nhớ lại: “Chọn CKT làm phong trào trong thanh niên công nhân, Đoàn đã chính thức ghé vai mình cùng chính quyền tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp và thiết thực trong sản xuất, kinh doanh đầy khó khăn lúc bấy giờ. Với cách làm sáng tạo thông qua những sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa tại từng công đoạn sản xuất, ngay năm đầu (năm 1994) thực hiện CKT, tại nhiều xí nghiệp đã nâng được tỷ lệ sản phẩm A đạt trên 80%, tiết kiệm từ 8 đến 10% chi phí nguyên nhiên vật liệu.

Đặc biệt, trong các sản phẩm của ngành dệt may, chế biến thực phẩm, hóa chất, nhựa, giày da…, đã xuất hiện những kiểu dáng mẫu mã mới mang tên áo Thành Công, vải Phong Phú, Bata Sài Gòn, sữa Vinamilk, mì Vifon… được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận. Giá trị làm lợi cho doanh nghiệp cũng từng năm được nâng lên, từ 2 tỷ đồng tăng lên 5 tỷ, 10 tỷ… và sau này có năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. CKT sau này vào những năm 1997 - 2000 được nâng lên thành phong trào của toàn TP và cả nước, trở thành “thương hiệu” của Đoàn TNCS khu vực công nhân lao động”.

 Môi trường trưởng thành của sinh viên TP 

Năm 1997, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè được Thành đoàn TNCS TPHCM đổi tên thành Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, sinh viên TP. Từ những hiệu quả thiết thực, phong trào tình nguyện này được Trung ương Đoàn TNCS quyết định tổ chức thành chiến dịch rộng khắp cả nước mỗi dịp hè về. Từ điểm xuất phát ban đầu TPHCM, “Chiến dịch Mùa hè xanh” đã lan tỏa ra toàn quốc và lan sang các nước bạn Lào, Campuchia với nhiều mô hình đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức.

Hồ Nguyễn Quỳnh Trang (cựu sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM) tâm sự: “Ra trường đã mấy năm rồi, nhưng mỗi lần nghe lời bài hát Mùa hè xanh là tôi lại nhớ về những tháng ngày cùng bạn bè đi khám chữa bệnh cho người dân nghèo. Từ một đứa quen sống trong sự bảo bọc của cha mẹ, tôi hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh, cảm nhận bản thân mình may mắn, hạnh phúc hơn nhiều người khác. Không chỉ hiểu rõ hơn về chuyên môn nghiệp vụ, tôi như được trưởng thành hơn về cách suy nghĩ, nhận thức sâu hơn về trách nhiệm của người thanh niên đối với xã hội”.

Đến nay, các nội dung hoạt động của chiến dịch tổ chức theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu xã hội, phát huy tối đa khả năng chuyên môn của thanh niên, sinh viên vào việc giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân, vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương; qua đó chiến sĩ tình nguyện được bồi dưỡng lòng yêu nước, xây dựng ý thức trách nhiệm, rèn luyện, tự khẳng định mình và trưởng thành...

Năm 2003 - giữa lúc cao điểm của Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh với hàng chục ngàn sinh viên, học sinh của TP rầm rập ra quân thực hiện các công trình, phần việc giúp dân trải dài trên 18 tỉnh thành và nước bạn Lào thì Đoàn TNCS các doanh nghiệp khu vực công nhân lao động TP đặt ra yêu cầu được “tiếp sức mùa hè” với các bạn khu vực trường học. Đề xuất đó ngay lập tức được Thành đoàn chấp nhận và quyết định lấy tên “Kỳ nghỉ hồng” đặt cho phong trào với mục tiêu đưa những người thợ trẻ với chuyên môn từng lĩnh vực của mình nhận các phần việc giúp dân. Đoàn TNCS Khối Bộ Công nghiệp được chọn làm tiên phong ra quân tại xã Quy Đức (huyện Bình Chánh) và 4 xã của huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk).

“Kỳ nghỉ hồng” của từng đợt chỉ diễn ra trong 3 ngày cuối tuần, nhưng việc làm của những người thợ áo xanh thì thật thiết thực và ý nghĩa: Thợ trẻ của Công ty Phân bón miền Nam hướng dẫn người dân bón phân, tỉa cành cây tiêu, cà phê; các thợ điện của Công ty Điện lực TP kéo dây, mắc điện kế; đội hình chuyên của các đơn vị Thuốc lá Sài Gòn, Dệt Phong Phú, Cao su miền Nam, May Việt Tiến… đảm nhận công việc sửa nhà giúp dân, dạy nghề, dạy chữ, tuyên truyền nếp sống văn hóa mới, kế hoạch hóa gia đình…

 HOÀI NAM - ÁI CHÂN 

 - Thông tin liên quan: 

>>Bài 1: Từ xưởng máy đến đồng quê

 Theo dòng lịch sử
 Thi đua giết giặc lập công (6-1948 – 7-1954) 

Từ Thủ đô kháng chiến, lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhanh chóng lan truyền khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam. Hội nghị quân sự Nam bộ do Xứ ủy triệu tập (tháng 9-1949) xác định Sài Gòn là chiến trường trọng điểm trong nhiệm vụ chống chiến lược bình định của địch; đồng thời đề ra 6 công tác quan trọng trước mắt phải tiến hành, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công. Ở các vùng căn cứ kháng chiến, quân và dân Sài Gòn thực hiện bao vây, phong tỏa kinh tế địch, rồi “xả cảng” để thúc đẩy phát triển kinh tế kháng chiến, xây dựng đời sống văn hóa vùng tự do với nhiều hoạt động phong trào Tăng gia sản xuất, Hũ gạo tiết kiệm, Ngày đồng tâm… Nhân dân trong vùng tự do thi đua lao động sản xuất kinh tế, xây dựng đời sống y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, đóng góp lương thực, mua trái phiếu ủng hộ kháng chiến…

Để động viên các tầng lớp nhân dân và cán bộ, bộ đội nỗ lực thi đua ái quốc, từ 30-4-1952 đến 6-5-1952, tại Thái Nguyên (Việt Bắc) Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần đầu tiên đã được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện tại đại hội và Người đã phát động “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

 VÂN ANH   (tổng hợp) 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.