Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Hơn 20.000 người biểu tình ở Phnom Penh phản đối vu cáo Việt Nam

 Sáng nay 9.6, hàng vạn người dân ở Phnom Penh (Campuchia) và các tỉnh lân cận đã kéo về Quảng trường Tự Do ở trung tâm Phnom Penh phản đối lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia vu cáo Việt Nam “dàn dựng nhà tù Tuol Sleng”. 

Ông Chum May, người khởi xướng cuộc biểu tình đến nói chuyện với đám đông có mặt tại Quảng trường Tự Do

Cuộc biểu tình do ông Chum May, Chủ tịch Hội nạn nhân Khmer Đỏ khởi xướng và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp người dân Campuchia.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online , ông Chum May cho biết có trên 20.000 người từ 9 quận của Phnom Penh và các tỉnh lân cận như Kandal, Prey Veng, Svay Rieng, Tà Keo, Kampong Cham, Kampong Chnang… kéo về tham gia biểu tình.

Ban đầu, dự định có 20.000 người biểu tình tại Quảng trường Tự Do và 2.000 người sẽ kéo đến trụ sở đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) và nhà riêng của lãnh đạo đảng này là ông Sokha để bày tỏ sự phẫn nộ. Tuy nhiên, nhà chức trách chỉ cho phép tụ tập 10.000 người ở Quảng trường Tự Do và 500 người mang thông điệp phản đối đến trụ sở CNRP. Vì vậy, số đông học sinh, sinh viên sẽ “biểu tình tại chỗ” ở trường học, trưng biểu ngữ tại các đại lộ…


Hình ảnh một nữ nạn nhân tại nhà tù Tuol Sleng được sử dụng để chứng minh “Việt Nam không dàn dựng” nhà tù này, mà đây là tội ác của Khmer Đỏ


Những phụ nữ này từng là nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ, có nhiều người thân bị giết trong thời kỳ đen tối này. Họ đến biểu tình trong nước mắt


Ước tính hơn 20.000 người tham gia biểu tình, dù chính quyền chỉ cho tập trung tại đây 10.000 người


Không đủ chỗ thì biểu tình trước trường học, ở hai bên đường phố

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Thanh Niên Online , có ít nhất 20.000 người tụ họp tại Quảng trường Tự Do.

Ông Chum May cho biết cuộc biểu tình diễn ra lúc 7 giờ. Nhưng từ hừng sáng xe chở người biểu tình đã tuần hành khắp các đường phố ở Phnom Penh trước khi kéo về nơi tụ tập chính.

Tuy số lượng người rất đông, nhưng do tổ chức tốt nên cảnh sát Phnom Penh khá “nhàn”, họ chỉ phân luồng giao thông cho các đoàn xe biểu tình và cũng chẳng ai phạm luật.

Đúng giờ dự định, Quảng trường Tự Do đông đặc người với biểu ngữ, băng rôn treo các dòng chữ: “Ông Kem Sokha phải xin lỗi”; “Ông Kem Sokha phải chịu trách nhiệm lời nói của mình”; “Đả đảo xuyên tạc lịch sử”; “Công lý cho nạn nhân của Khmer Đỏ”...

 Địa ngục trần gian Tuol Sleng 

Vào năm 1975, sau khi nắm quyền, Khmer Đỏ đã cải tạo ngôi trường trung học 5 tầng Tuol Svay Pray ở thủ đô Phnom Penh thành một nhà tù khét tiếng. Trong bốn năm sau đó, có đến 17.000 người đã bước vào cánh cổng nhà tù Tuol Sleng, tức nhà tù an ninh S-21 (một số nguồn cho biết có đến 20.000 người). Chỉ có một số ít người sống sót.


Nhà tù Tuol Sleng hiện là Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng - Ảnh: Reuters

Khmer Đỏ đã giữ lại hồ sơ về các tù nhân. Tất cả tù nhân đều được chụp ảnh khi đến nhà tù. Trong số những tù nhân có cả trẻ em. Các tù nhân bị giam giữ trong những phòng giam chật chội, bị bỏ đói và thường xuyên bị đánh đập, tra tấn.

Khi những tù nhân bị ép phải nhận bừa tội lỗi, họ bị đưa ra cánh đồng Choeung Ek và thủ tiêu. Cho đến nay, gần 9.000 hài cốt đã được tìm thấy ở đây.

Những tội ác dã man tại nhà tù Tuol Sleng được bộ đội tình nguyện Việt Nam phát hiện vào năm 1979 khi giải phóng Phnom Penh.

Năm 1980, nhà tù được chính phủ Campuchia chuyển thành Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng để tưởng niệm những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ.

Một trong số vài người sống sót khỏi nhà tù Tuol Sleng là ông Chum May, Chủ tịch Hội các nạn nhân Khmer Đỏ, người khởi xướng cuộc biểu tình phản đối vu cáo của ông Kem Sokha. Những người sống sót phần nhiều nhờ họ có các kỹ năng mà các cai ngục thấy hữu dụng. Với Chum May, đó là nghề thợ máy.

 Sơn Duân 

 Tiến Trình
 
(Từ Phnom Penh, Campuchia )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.