Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung: Muốn xóa bỏ mọi nghi kỵ

 Hãng AP đưa tin, ngày 8-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California. Cuộc hội đàm thu hút sự quan tâm của giới truyền thông bởi đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. 

 Cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác  

Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc và Tổng thống Obama đắc cử nhiệm kỳ hai. Đúng như dự đoán, Tổng thống Obama đã không né tránh vấn đề gián điệp mạng trong cuộc hội đàm. Ông kêu gọi Trung Quốc thực hiện các quy định chung về an ninh mạng sau những cáo buộc về hoạt động tin tặc bắt nguồn từ Trung Quốc. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông muốn xóa bỏ những mối nghi kỵ của phía Mỹ về an ninh mạng và khẳng định rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Obama tại Sunnylands, bang California.

Tổng thống Obama bày tỏ hoan nghênh về “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc nhưng nhấn mạnh ông muốn trật tự kinh tế quốc tế là nơi các quốc gia phải thực hiện theo quy tắc thương mại tự do và công bằng, cần phải cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác để vượt qua những thách thức đang chia rẽ hai nước. AP cho rằng Tổng thống Obama đang ngầm ám chỉ tới những tranh chấp thương mại Mỹ - Trung gần đây.

Trước cáo buộc mà Bắc Kinh đưa ra để mô tả chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington, ông Obama cho biết Mỹ không muốn kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình tuyên bố Thái Bình Dương “đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc”. Trung Quốc hiện đang coi chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là chủ yếu nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy và vươn ra bên ngoài của họ. Ngược lại, Mỹ cũng coi sự phát triển lớn mạnh vượt bậc trong thời gian gần đây của Trung Quốc là nhằm thách thức địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Tuy nhiên, cục diện đối đầu đan xen hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn ở cả những khu vực khác trên thế giới. Trước khi đến California, ông Tập Cận Bình có chuyến công du một loạt các quốc gia ở Mỹ Latinh - nơi từng được coi là sân sau của Washington. Hai nhà lãnh đạo còn tập trung thảo luận các vấn đề gồm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên và Iran.

 Mang lại nhiều cơ hội 

Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đáng lẽ diễn ra vào tháng 9-2013, bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nga. Việc hai bên nhất trí đẩy sớm hơn cuộc gặp thượng đỉnh phản ánh rõ nhu cầu và mong muốn hợp tác. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, tuy là cuộc gặp thượng đỉnh mang tính chất làm quen giữa hai nhà lãnh đạo nhưng các cuộc hội đàm lại có một chương trình nghị sự chính thức rất rộng lớn, bao gồm nhiều vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.

Theo kế hoạch, chương trình nghị sự 2 ngày giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở California sẽ còn rất nhiều nội dung nóng, ẩn chứa căng thẳng và tranh cãi giữa hai bên nhưng cũng mang lại cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán này, việc thảo luận tách bạch hoàn toàn giữa các vấn đề song phương, vấn đề khu vực và vấn đề quốc tế chỉ là khái niệm mang tính chất tương đối, khi mà mối quan hệ Mỹ - Trung đã vượt ra khỏi phạm trù hai nước và mang ý nghĩa thế giới rộng lớn. Dư luận đang mong muốn những tín hiệu tích cực, hợp tác và đồng thuận từ cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ lần này. Nếu không, cuộc gặp chỉ mang tính biểu tượng.

 THANH HẰNG  (tổng hợp) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.