Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Xây dựng luật dân số: Đặt quyền của người dân lên trên hết

 GiadinhNet - "Dù có tăng cường quản lý Nhà nước đi chăng nữa thì cũng là tăng quyền của người dân- Đó là quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Dân số. 

Bên cạnh đó, phải xin ý kiến người dân về những điều khoản trong Dự thảo. Đây là quy trình bắt buộc của việc xây dựng bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào...”- TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại Hội thảo Định hướng các vấn đề dân số được điều chỉnh trong Dự án Luật Dân số. Hội thảo do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức ngày 23/5 tại Hải Phòng.

 Hội thảo được nhiều ý kiến quí báu của các nhà quản lý, các nhà khoa học...Đây là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ những ý tưởng mới đóng góp xây dựng dự thảo Luật Dân số Ảnh: Võ Thu 

 Định hướng những vấn đề lớn 


Phát biểu định hướng Hội thảo, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ: “Kế tiếp Hội thảo mang tính chất “khởi động” cho xây dựng Dự thảo Luật Dân số được tổ chức cuối năm 2012, Hội thảo lần này mang tính chất định hướng các vấn đề lớn dự kiến sẽ đưa vào Luật Dân số trong thời gian tới. 10 năm qua, từ khi Pháp lệnh Dân số (PLDS) ra đời, công tác Dân số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và có nhiều thay đổi so với 10 năm trước đây về vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, di cư và đô thị hóa, quản lý dân cư. Vì vậy, việc đánh giá 10 năm thực hiện PLDS và xây dựng Luật Dân số là hết sức cần thiết”.


“Thời gian từ nay đến năm 2014 là rất ngắn, do đó trong phiên họp mới đây, Bộ Tư pháp đề nghị dành thời gian thêm để xây dựng Luật Dân số kỹ hơn. Chúng tôi đề nghị lùi thời điểm trình Dự án Luật Dân số từ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (cuối năm 2014) sang kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015) để có điều kiện được chuẩn bị kỹ càng hơn, tốt hơn cho Luật Dân số”.


 (TS. Dương Quốc Trọng-
Tổng cục trưởng Tổng cụ DS-KHHGĐ)
 


Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Mandeep K.O’Brien khẳng định: Việt Nam là một trong số 179 quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển (ICPD - Cairo, 1994). Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm những vấn đề trong ICPD rất cần thiết cho việc Việt Nam xây dựng Luật Dân số.


Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động nhân khẩu học sâu sắc và đặc biệt khi dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, tốc độ già hóa nhanh và mất cân bằng giới tính khi sinh. Do vậy, Luật Dân số sắp tới cần có những quy định phù hợp, giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội của giai đoạn biến động nhân khẩu học này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện thích ứng với sự biến động nhân khẩu học này. Đó là tiếp cận theo hướng phát triển bền vững, dựa trên nguyên tắc tự nguyện và quyền con người.


“Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát mức tăng sinh sang nâng cao chất lượng sống cho toàn bộ dân số đặc biệt những khoản đầu tư kinh tế - xã hội một cách hợp lý cho nhóm người trẻ tuổi và nhóm dân số già, những người có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai” – bà Mandeep chia sẻ.

 Đề cương sơ bộ Luật Dân số có 7 chương, 55 điều 


Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện đến từ các tổ chức, đơn vị như Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, các Cục, vụ, viện, Ban dân số, Trung tâm, các đơn vị của các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, đánh giá thực hiện Pháp lệnh Dân số như: Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển, ĐH Luật Hà Nội; các thành viên trong Ban soạn thảo và tổ biên tập Dự án Luật Dân số.


Báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá sơ bộ 10 năm thực hiện PLDS, GS.TS Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vấn đề xã hội – ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng: PLDS là văn bản đầu tiên đặt vấn đề điều chỉnh toàn diện hành vi dân số, công tác dân số bằng Luật pháp; quy định quyền và nghĩa vụ của nhà nước, đoàn thể xã hội, công dân đối với công tác dân số; mở đường cho việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi dân số từ Trung ương đến địa phương; nhạy bén điều chỉnh những hành vi dân số mới xuất hiện.

Tuy nhiên, cũng theo GS Cử, trong quá trình rà soát, phân tích, đánh giá văn bản PLDS Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những hạn chế, cụ thể như: Phạm vi điều chỉnh quá rộng và đôi chỗ chưa nhất quán. “Sau PLDS đã có 13 Luật có nội dung gần gũi với dân số được ban hành. Điều này cho thấy phạm vi điều chỉnh của PLDS là quá rộng và dẫn đến sự trùng lặp giữa PLDS với các Luật khác, nhiều quy định của PLDS mang nặng tính nguyên tắc, chung chung như đường lối, chủ trương mà không quy định cụ thể để có thể thực hiện được. PLDS 2003 và PLDS sửa đổi năm 2008 chưa điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh và có khả năng phổ biến trong tương lai.

GS Nguyễn Đình Cử nêu rõ: “Mặc dù đã có “tầm nhìn xa” đối với các vấn đề như lựa chọn giới tính thai nhi, vô sinh nhưng PLDS vẫn chưa chú ý đến các vấn đề mới, như KHHGĐ trong điều kiện mức sinh thay thế; mua/bán, hiến tặng trứng, tinh trùng và phôi; mang thai hộ và mang thai thuê; lựa chọn ngày, giờ sinh con; đa thai; sinh sản của người có nguy cơ cao; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chuyển đổi giới tính; lựa chọn cái chết êm ái...”.


Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, quan điểm đồng thuận và đa chiều giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học, là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ những ý tưởng mới đóng góp xây dựng dự thảo Luật Dân số.

Đề cương sơ bộ Luật Dân số do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân thông tin tại Hội thảo gồm 7 chương, 55 điều, bao gồm: Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Quy mô dân số và KHHGĐ; Chương 3: Chất lượng dân số; Chương 4: Cơ cấu dân số; Chương 5: Phân bổ dân số; Chương 6: Các biện pháp thực hiện công tác dân số; Chương 7: Điều khoản thi hành. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân: Luật Dân số lựa chọn cách tiếp cận theo kết quả dân số làm cơ sở để so sánh, đối chiếu về quy mô và tốc độ phát triển của các kết quả dân số với quy mô và tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

 Võ Thu 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.