Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Bắc Giang: Song Mai về đích

 Là một trong bốn xã được thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chọn chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Song Mai đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự vào cuộc của MTTQ. 


Xã Song Mai, thành phố Bắc Giang có diện tích tự nhiên 998,51 ha. Trong đó đất nông nghiệp 664 ha. Phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, MTTQ đã phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức thành viên xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền mục đích, yêu cầu, các nội dung về xây dựng nông thôn mới để mọi người dân trong xã nắm được và thi đua thực hiện đạt kết quả tốt.


"MTTQ và các đoàn thể có vai trò rất quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đến từng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung các tiêu chí về xây dựng NTM” - ông Thân Trọng Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Song Mai.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay 100% đường làng, ngõ xóm và đường liên xã, 70% đường liên thôn, 58% kênh mương phục sản xuất đã được cứng hóa. Bằng vốn đối ứng của nhân dân, từ năm 2012 đến nay xã đã hoàn thành 6 ga chung chuyển rác trị giá 300 triệu đồng; 4 nhà văn hóa thôn trị giá gần 3 tỷ đồng.


Để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ trên, theo ông Nguyễn Văn Lựu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Song Mai, MTTQ xã và các tổ chức thành viên đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời gian, phân công cán bộ tập trung bám sát các khu dân cư để vận động nhân dân như: đưa nội dung về xây dựng nông thôn mới vào sinh hoạt chuyên đề từ xã đến các chi bộ, Ban công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội ở khu dân cư.


Từ đó mọi người tự nguyện tham gia thực hiện thành phong trào như: Hiến đất làm đường giao thông, thành lập các tổ tự quản, tự nguyện đóng góp 15.000 đồng/hộ/tháng chi phí thu gom, tiêu hủy rác thải bảo vệ môi trường. "Đặc biệt phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn có 70 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 4.000 m2 trị giá 250 triệu đồng. Riêng hai thôn Vĩnh An và Phúc Hạ đã hiến 2.550 m2 đất, tiêu biểu như hộ gia đình ông Thái hiến 180 m2; hộ gia đình ông Lương hiến 220m2,…”, ông Lựu nhấn mạnh.


Cũng theo ông Lựu, phong trào hiến đất, tự tháo dỡ lều quán, chặt cây làm đường giao thông có hiệu quả là do Ban công tác Mặt trận tham mưu chi bộ, phối hợp Trưởng thôn, các đoàn thể nắm quy hoạch đường giao thông nông thôn, tổ chức họp dân cả thôn công khai quy hoạch giao thông để thảo luận dự kiến những vị trí cần phải mở rộng, vị trí cần phải điều chỉnh để đường thẳng hơn,... Sau đó từng ngõ có các hộ gia đình liên quan đến đoạn đường cần điều chỉnh tiến hành họp để thảo luận, tuyên truyền về lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của đường giao thông nông thôn,... nên mọi người đều hiểu rõ và tự nguyện hiến đất.


Ông Thân Trọng Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng nông thôn mới của xã cho biết, MTTQ và các đoàn thể có vai trò rất quan trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đến từng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung các tiêu chí về xây dựng NTM.


Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, MTTQ xã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và chăn nuôi. Hiện nay toàn xã đã có hơn 200 ha lúa giống mới; hơn 100 ha rau xanh và khoai tây chế biến; 147 ha chuyên nuôi cá chép lai, cá rô phi đơn tính theo hướng GAP, ếch Thái Lan,…


Chia sẻ về những đổi thay trên quê hương mình, bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Phúc Bé, xã Song Mai khẳng định "sau khi được xã, thôn tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới bà con chúng tôi rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Bản thân gia đình tôi cũng tự tháo dỡ hành lang hiến đất làm đường giao thông vào trung tâm xã”.


Về Phúc Bé hôm nay, bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần ngày được nâng lên: mô hình kinh tế cho thu nhập cao như nuôi cá, trồng hoa, trồng lúa giống mới... đã xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo bà Hằng, Nhà nước cần đầu tư kinh phí nhiều hơn để cùng nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Như hiện nay việc huy động xây dựng Nhà văn hóa thôn còn cao so với thu nhập của nông dân.


Phát huy kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Văn Lựu, thời gian tới MTTQ xã tiếp tục tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. "Nhất là thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa Song Mai trở thành xã nông thôn mới bền vững”, ông Lựu khẳng định.


Trịnh Hữu Bàn

Nguồn: daidoanket.vn

Link: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=64818&menu=1371&style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.