Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Cần có cơ chế đặc thù đối với làng cổ Đường Lâm

 Sau khi một số hộ dân ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) viết đơn xin "trả lại" danh hiệu làng cổ, việc triển khai lập quy hoạch bảo tồn, quy hoạch dự án giãn dân... được đẩy nhanh hơn. 

 

 Sau khi một số hộ dân ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) viết đơn xin "trả lại" danh hiệu làng cổ, việc triển khai lập quy hoạch bảo tồn, quy hoạch dự án giãn dân... được đẩy nhanh hơn. 

 

Nhưng do đặc thù là một di sản "sống", mặt khác, điều kiện kinh tế của các hộ dân ở Đường Lâm còn rất khó khăn, cho nên nếu không có những cơ chế đặc thù đối với làng cổ này thì những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển chắc chắn sẽ không được giải quyết triệt để.

Đặc điểm nổi bật nhất của làng cổ ở Đường Lâm chính là một di sản sống, phần lớn các nhà cổ đều thuộc sở hữu của các hộ gia đình. Cuộc sống luôn luôn vận động, phát triển. Mỗi năm, hàng chục hộ gia đình trong phạm vi làng cổ có nhu cầu sửa chữa, xây mới. Nhưng do làng được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia, cho nên hộ nào muốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, phải đồng thời thực hiện những quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng. Trong đó, để bảo đảm thực hiện Luật Di sản văn hóa, hồ sơ thiết kế của một ngôi nhà phải trình qua rất nhiều cấp, và phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Không những thế, nếu thực hiện đúng như quy định của Luật Di sản văn hóa, thì khu vực bảo vệ cấp I gồm toàn bộ thôn Mông Phụ phải bảo tồn nguyên trạng, không được xây mới. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trước thực tế đó, UBND thị xã Sơn Tây đã xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho thị xã cấp phép xây dựng cho các hộ dân. Trong khi chờ được thông qua việc cấp phép, năm 2008, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành Quy chế tạm thời phối hợp quản lý và xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trong khu vực làng cổ. Theo quy chế này, UBND thị xã Sơn Tây không cấp phép xây dựng, mà cấp thỏa thuận xây dựng, nhưng phải bảo đảm kiến trúc cảnh quan. Trong đó, khu vực bảo vệ cấp I, không xây nhà quá một tầng, phải lợp mái ngói.

Mặc dù đã có sự "linh động" nhất định trong thực hiện Luật Di sản văn hóa, được nhiều chuyên gia đánh giá là cách làm sáng tạo để tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống, đồng thời không làm ảnh hưởng cảnh quan, nhưng quy chế này vẫn chỉ là giải pháp tình thế, không đáp ứng yêu cầu của người dân. Trong cuộc làm việc giữa Thành ủy Hà Nội với các ban, ngành của thành phố, thị xã Sơn Tây, đại diện xã Đường Lâm và nhiều nhà khoa học sáng 21-5, nhiều chuyên gia cho rằng: Cần có cơ chế đặc thù cho làng cổ Đường Lâm trong vấn đề cấp phép xây dựng. Bởi, trong Luật Di sản văn hóa chỉ nêu khái niệm di tích nói chung, vùng bảo vệ di tích nói chung mà không đề cập khái niệm di tích là làng cổ với tư cách là một không gian sống, cho nên không thể áp dụng cứng nhắc Luật Di sản văn hóa về việc không được xây dựng trong khu vực bảo vệ cấp I. Việc ủy quyền cho thị xã cấp phép xây dựng nhà là cần thiết. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Quang Long cho rằng, ủy quyền như thế nào là điều cần cân nhắc. Nếu giao toàn bộ quyền thẩm định cho thị xã Sơn Tây, rất có thể sẽ xảy ra những bất cập về chuyên môn mà việc khắc phục sau này sẽ còn nan giải hơn cả hiện tại. Do vậy, cần khẩn trương xây dựng những mẫu thiết kế nhà với kiểu dáng phù hợp cảnh quan để nhân dân tham khảo. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội ủy nhiệm cho thị xã Sơn Tây chịu trách nhiệm cấp phép xây dựng trên cơ sở những thiết kế này. Giáo sư Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, Phó Giáo sư Đặng Văn Bài... đều ủng hộ việc cần tạo mẫu thiết kế nhà phù hợp để nhân dân xây dựng.

Vấn đề được dư luận quan tâm lớn nhất hiện nay là thực hiện khu giãn dân. Ngày 18-5, UBND thị xã Sơn Tây và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã thống nhất xác định vị trí quy hoạch khu giãn dân tại khu vực thôn Phụ Khang. Hiện nay, theo quy định của thành phố đối với các dự án tái định cư là giá mua đất, nhà tại khu tái định cư phải sát với giá thị trường. Phần lớn cư dân Đường Lâm hiện nay sống bằng nghề nông, đời sống kinh tế khó khăn. Nếu khu đất tái định cư được bán với giá ưu đãi, nhưng mức ưu đãi ít thì người dân cũng không thể mua được. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị, thành phố cần nghiên cứu cơ chế đặc thù cho việc tái định cư. Ngoài ưu đãi về giá đất, với những chủ sở hữu nhà cổ có giá trị, có nhu cầu bức thiết về chỗ ở, thành phố nên cho vay ưu đãi để người dân có thể chuyển sang khu vực tái định cư, giảm áp lực cho khu vực làng cổ. Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Nguyễn Văn Thành đề xuất: Do thu nhập của người dân Đường Lâm còn thấp, thành phố nên tạo điều kiện miễn tiền đất giãn dân cho các hộ dân...

Đối với việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch, Đường Lâm cũng cần một cơ chế riêng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, sau khi thông qua Quy hoạch tổng thể bảo tồn làng cổ Đường Lâm, chính quyền thành phố nên cho triển khai ngay các dự án thành phần. Bởi hiện nay, quy hoạch tổng thể đã làm khá chi tiết, phân loại rõ bốn loại nhà tại làng cổ. Nếu tiếp tục đợi quy hoạch chi tiết, sẽ tốn rất nhiều thời gian, trong khi đó, không thể để người dân phải đợi mãi. Việc phân loại khu vực bảo vệ cấp I và cấp II cũng cần xem xét kỹ. Bởi tại Đường Lâm, trong khu vực bảo vệ cấp I cũng có nhiều kiến trúc không giá trị, ngược lại, trong khu vực bảo vệ cấp II có xen kẽ một số kiến trúc giá trị. Hiện nay, mới chỉ có những hộ gia đình có nhà cổ được công nhận di tích được hỗ trợ tu bổ, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương xây dựng mức hỗ trợ đối với từng loại nhà, từng vị trí của ngôi nhà. Chỉ khi có quy định rõ ràng, người dân mới quan tâm và yên tâm thực hiện bảo tồn.

Ở Việt Nam hiện nay, có hai địa phương bảo tồn di sản sống khá tốt là phố cổ Hội An (Quảng Nam) và làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên - Huế). Nhưng không phải cứ đem áp dụng kinh nghiệm ở Hội An, Phước Tích vào Đường Lâm là có thể thành công. Vấn đề ở làng cổ Đường Lâm cũng cho thấy những hạn chế, bất cập của Luật Di sản văn hóa. Chính vì vậy, ngay trong buổi làm việc giữa Thành ủy Hà Nội với các ban, ngành của thành phố, thị xã Sơn Tây, đại diện xã Đường Lâm về việc tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm vào sáng 21-5, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Chúng ta phải tôn trọng các quy định của pháp luật, nhưng cũng cần vận dụng linh hoạt các chính sách để phù hợp với tính chất đặc thù của làng cổ Đường Lâm". Đồng chí chỉ đạo UBND, các sở, ngành, địa phương của TP Hà Nội khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, trước mắt là vấn đề quy hoạch và giãn dân, bảo đảm đời sống nhân dân. Song song với đẩy mạnh những biện pháp bảo tồn di tích, cần xây dựng cơ chế phù hợp để người dân có thể cải tạo, để có thể sống trong nhà cổ, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Việc này sẽ góp phần giải quyết tận gốc vấn đề bảo tồn di tích hiện nay.

 CHÍ DŨNG 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.