Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Sẽ không dễ trục lợi từ hộ khẩu

 GiadinhNet - Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đều cho rằng phải cấm hành vi giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú, đồng ý cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi… 

 Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại quận Hoàng Mai, HN. Ảnh:C.C 

 Đăng ký chỗ này, sống chỗ khác 


Ngày 23/5, tiếp tục chương trình xây dựng luật, Quốc hội đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự luật này. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, Luật Cư trú hiện hành có hiệu lực từ 1/7/2007, qua 5 năm triển khai đã có những kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền về tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú.


Ví dụ, Luật Cư trú hiện hành chưa quy định nghiêm cấm đối với các hành vi: giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú (như ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân chỉ với mục đích để người này đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc Trung ương mà thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đó hoặc giả tạo kết hôn để đăng ký thường trú…); giải quyết cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi. “Khi phát hiện các hành vi này thì các cơ quan hữu quan không có biện pháp, chế tài xử lý được”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.


Ngoài ra, Luật Cư trú không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên nhiều trường hợp đã chuyển đến chỗ ở mới mà không bị xóa tên trong sổ tạm trú và khi đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú khác, dẫn đến tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú khác nhau, vừa lãng phí, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý.


Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung cấm các hành vi trục lợi từ đăng ký thường trú mà dự thảo nêu. “Đây là những hành vi phổ biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú; việc bổ sung nghiêm cấm các hành vi này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những người có hành vi trái pháp luật về cư trú”, ông Phan Trung Lý dẫn báo cáo.

 Muốn hộ khẩu “phố”, tạm trú 2 năm  

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho hay, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bổ sung quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể: Công dân có chỗ ở hợp pháp nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên; Nếu đăng ký vào quận thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 2 năm trở lên. Công dân phải có 1 trong 2 điều kiện trên, hoặc thỏa mãn một trong các điều kiện khác như: Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.


Ủy ban Pháp luật cho rằng việc quy định như thế là phù hợp, tuy nhiên, một số thành viên cũng băn khoăn về việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Do vậy, ý kiến này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc Trung ương.


Tờ trình về dự luật này cũng cho thấy, Luật Cư trú hiện hành không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2/người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một hộ khẩu nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây. Do đó, dự thảo đề nghị phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.


Riêng với quy định về thời hạn của sổ tạm trú (được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng và trước khi hết hạn tạm trú 30 ngày thì công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn), Ủy ban Pháp luật cho rằng chưa thực sự phù hợp, dễ phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Tại phiên họp sáng 23/5, Quốc hội đã nghe tờ trình của Thủ tướng Chính phủ và thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 Võ Hải 

 Việt Nguyễn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.