Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Làm luật phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

 (SGGPO).- Chiều nay 24-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. 

 Đừng sử dụng hộ khẩu như một loại giấy phép 

Về dự án Luật Cư trú, đa số ý kiến cho rằng việc ban hành Luật Cư trú là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn khiến ĐBQH băn khoăn. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) phát biểu, thực tế Luật Cư trú hiện hành đã mở rộng quyền tự do ăn ở, đi lại của nhân dân nhưng bất cập hiện nay là công tác quản lý lại rất kém, nhất là những người không có địa chỉ thường trú. Ví dụ nhiều người vay nợ nhưng sau đó đi khỏi nơi cư trú thì không có cơ sở để xử lý. Hàng loạt phát sinh giao dịch không xử lý được do không tìm ra được nơi cư trú của người đó.

Với trường hợp thuê, ở nhờ, đề nghị phải xác định rõ diện tích nhà ở đối với người cư trú, tránh trường hợp một căn nhà diện tích nhỏ nhưng có hàng chục người cư trú. Hợp đồng cho thuê, cho ở nhờ phải có thời hạn ít nhất 2 năm trở lên mới đủ điều kiện nhập khẩu.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Luật Cư trú nhằm thực hiện quyền tự do cư trú của nhân dân, vì vậy cần tránh suy nghĩ làm luật này là để chống tội phạm, chống gian trá. Yêu cầu này là hợp lý nhưng trên hết là để nhân dân được thực hiện quyền cư trú tốt nhất. Tránh tình trạng nhân dân bị xâm phạm quyền này. Phải làm sao để thực hiện quyền này đơn giản, ít thủ tục, rườm rà. “Tôi đã đi nhiều nước học tập, sinh sống nhưng không ở đâu có cách quản lý rườm rà như ở Việt Nam, nguyên nhân là cách làm rất thủ công trong công tác quản lý”- ông Trương Trọng Nghĩa nhận xét và viện dẫn, ở nước ngoài, công dân có thể không phải đăng ký nhưng nếu vi phạm, cảnh sát có mặt ngay lập tức. Ta phải học tập cách quản lý cư trú hiện đại của họ.

ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) nêu quan điểm, các biện pháp quản lý cư trú là cách quản lý của nhà nước nhưng đừng biến đó thành những giấy phép đối với công dân. Đừng để vấn đề nhập hộ khẩu bị lạm dụng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ xin nhập trường, điện… Đừng coi hộ khẩu là một giấy phép. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, việc xác định công dân cư trú còn nhiều bất cập. Công dân đi khỏi nơi cư trú nhưng không bị xóa hộ khẩu nên vẫn được thống kê; trong khi đó họ đến chỗ khác ở nhưng không nhập khẩu nên lại không được thống kê. Về lâu dài, quản lý nhập hộ khẩu phải là biện pháp thiên về kinh tế xã hội nhiều hơn là biện pháp hành chính. Cần quy định diện tích ở tối thiểu đối với trường hợp cho thuê, ở ghép (trừ trường hợp ruột thịt), nhưng quy định nên giao cho các địa phương, không nên để Chính phủ quy định mức chung toàn quốc.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng bức xúc, tại sao chúng ta lại dùng hộ khẩu như một giấy phép để quản lý cư trú như hiện nay. Đó là cách làm quá lạc hậu, thế giới rất ít dùng. Nên giao cho chính quyền các đô thị quy định về điều kiện cư trú của công dân, tránh “đụng chạm” như giữa Đà Nẵng với Chính phủ vừa qua. Có những cái QH làm, có những cái để cho địa phương làm. Không nên gắn vấn đề bố trí dân cư với quản lý hộ khẩu. Ở nhiều nước, họ hạn chế dân cư ở trung tâm bằng cách áp thuế nhà ở, phí môi trường rất cao, ở ngoại thành thì ngược lại.

 Đề nghị cho TPHCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị 

Về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) và nhiều ĐB đoàn TPHCM đề nghị đưa Luật Đô thị vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và cho phép TPHCM làm thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị xem xét đưa vào Luật Trưng cầu ý dân và Luật Biểu tình. ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đề xuất đưa Luật Ngân sách vào chương trình năm 2014 để đồng bộ với Luật Đầu tư công. Về dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, ĐB Lê Đông Phong đề nghị đưa vào kỳ họp thứ 6, chậm nhất là kỳ họp thứ 7, nếu chưa sửa đồng bộ thì sửa một số điều cũng được, vì thực tế có rất nhiều điều phát sinh đòi hỏi phải điều chỉnh. Ví dụ dư luận đang hết sức bức xúc vì sao một số đối tượng giết người dã man nhưng không bị tử hình do chưa đến tuổi thành niên, đòi hỏi phải điều chỉnh độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) đề nghị đưa dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật 2014.

Về chương trình xây dựng luật, ĐB Trần Du Lịch bức xúc tình trạng “đưa vào rút ra”, vẫn làm luật theo kiểu cái gì hòm hòm thì làm, chưa thì bỏ ra, mà lẽ ra thực tế nào đang bức xúc thì ưu tiên làm luật trước, không nên máy móc theo quy trình.

“Đừng làm luật kiểu dàn đều. Ví dụ vấn đề nhà ở, bất động sản đang nóng như vậy, tại sao phải để đến các kỳ họp sau mới làm, cần sửa ngay 1-2 điều để áp dụng ngay. Tái cấu trúc kinh tế mà không sửa luật thì sao làm. Đề nghị vấn đề gì nóng thì làm trước. Nếu làm luật như Việt Nam thì không biết đến bao giờ mới tái cấu trúc kinh tế thành công” - ĐB Trần Du Lịch bức xúc. ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cũng tán thành, cái gì đất nước đang cần, thực tiễn đang cần thì cấp bách đưa vào sửa, nếu không đủ thời gian làm thì có thể kéo dài kỳ họp để dồn sức vào việc tập trung, sửa đổi những luật mà thực tế đang cần…

 PHAN THẢO 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.